Những điều gì ta biết về thành công có khi lại sai? (Phần 1)

0

Bài viết này được mình lên ý tưởng sau khi đọc xong cuốn sách “Chó sủa nhầm cây” của tác giả Eric Barker, được 2 dịch giả Phạm Quốc Khánh và Nguyễn Hạo Nhiên dịch. 

Trang chủ >> Chia sẻ >> Góc nhìn >> Những điều gì ta biết về thành công có khi lại sai? (Phần 1)

Cuốn sách thực sự rất hay, sau 2 tuần mình đã có thể ngấu nghiến xong hết từng chữ, tưởng chỉ là một cuốn sách để thư giãn sau những ngày làm việc WFH mệt mỏi nhưng nó lại đưa cho mình rất nhiều góc nhìn giá trị về hai chữ “Thành công”.

Vậy định nghĩa thành công thực sự là gì và có khi “Những gì ta biết về thành công có khi lại sai”? 

Hiện diện trên thế giới này, không ai chúng ta không khao khát thành công hơn bất cứ thứ gì bởi mỗi cá nhân đều có lòng tham nhất định, một động cơ để chúng ta tiến hóa và đứng đầu chuỗi thức ăn. Nếu bạn chỉ đơn giản search từ thành công trên Google thì ngay lập tức sẽ xuất hiện 677 triệu kết quả trong vỏn vẹn 0.74 giây trong khi hạnh phúc chỉ khoảng 104 triệu kết quả mà thôi. 

Chỉ 2 chữ đơn giản nhưng lại mang tới gánh nặng có khi đánh đổi cả đời người để đạt được. Thành công có thể là những diễn viên màn bạc tỏa sáng tại Hollywood, những nhà khoa học được giải Nobel vì sự cống hiến cả đời của họ, hoặc được xuất hiện trong cuốn sách lịch sử vì cái chết đầy ngu ngốc,… Mỗi người, mỗi xã hội, mỗi thời đại và thời điểm có những định nghĩa thành công khác nhau, định nghĩa giá trị thành công đều có sự chuyển dịch theo thời gian và không gian.

Thành công là gì?

Đến với thế kỷ 21, thành công của đa phần mọi người đều là tổ hợp của sự cố gắng, siêng năng, kiên trì và cần mẫn nhưng vẫn giữ được sự cân bằng trong cuộc sống. Nhưng có thật bởi vậy? 

Mở đầu cuốn sách “Chó sủa nhầm cây” bằng ví dụ thành công đầy nỗ lực của jure Robic với các thành tích đua xe bất khả chiến bại của anh. Anh thành công bởi vì gì?

  • Anh không được có người thầy giỏi đào tạo
  • Anh cũng không có sức khỏe vượt trội hơn những vận động viên khác
  • Năng khiếu anh cũng chẳng có

Vậy anh có gì?

Sự hoang tưởng. Đúng vậy.

“Không hề quá khi nói rằng anh ta là một gã quá khích. Đúng là khi Robic đặt chân lên bàn đạp, anh ta hoàn toàn bị mất kiểm soát”. – Trích sách 

Robic mang trong mình sự điên rồ và nếu những người bình thường đánh giá gần như anh ta bị “tâm thần” nhưng chính nhờ căn bệnh này mà Robic trở thành tay đua vĩ đại nhất trong cuộc đua Race Across America. Và điều này có dẫn chứng khoa học đàng hoàng khi các nhà khoa học như Phillippe Tissie và August Bier đã ghi nhận rằng việc tâm trí thiếu ổn định sẽ giúp các vận động viên lờ đi nỗi đau và thúc đẩy chính bản thân họ tiến về phía trước, gần như vượt được giới hạn tự nhiên của con người. 

Điều này đập tan đi những điều mà sự thành công đang được nói ra rả trên truyền thông hiện nay với các đức tính nhân hậu, thật thà, nghiêm túc và tốt tính,… 

“Phần lớn những gì ta được nghe kể về các phẩm chất dẫn đến thành công đều có vẻ hợp lý, nghiêm túc, và … sai bét” – trích sách 

Hình tượng thành công của tỷ phú có phải là tấm gương noi theo? 

Chắc hẳn hình tượng Elon Musk là biểu tượng của sự thành công đầu thế kỷ 21 cho tới nay. Với hàng loạt những tập đoàn trị giá tỷ đô, hình ảnh phê cần khi phỏng vấn và gần đây nhất là sự đảo chiều lên xuống của Bitcoin chỉ vài dòng twist của ông khiến giá trị hình ảnh thành công của ông càng bền vững. Mọi tờ báo truyền thông gần như được miêu tả kỹ lưỡng về việc ông ăn, ở, tắm, ngủ đi vệ sinh như thế nào,… Cùng với đó, hàng loạt đầu sách nói về ông được sản xuất, nhanh chóng trở thành Best-Seller (mình cũng đã mua 2-3 cuốn về ông và đọc). Giá trị thành công của ông mang lại từ việc ông rất hạn chế ngủ, chỉ 3-5 tiếng mỗi ngày, lúc nào cũng tràn trề sinh lực, tham vọng và sự mạo hiểm cực kỳ cao vượt trội so với người thường, không ngừng nghỉ làm việc và học hỏi liên tục,… Nhưng đây là mô tả tương tự của:

Căn bệnh tâm thần

Trong cuốn sách “Chó sủa nhầm cây”, tất cả những mô tả trên là biểu hiện của một chứng tâm thần gọi là hưng cảm (hypomania). Việc làm việc quá sức và sự tham vọng không giới hạn chính là sự ám ảnh cưỡng chế, đó chính là sự khác biệt so với người thường. 

Vậy việc bạn chưa phải là tỷ phú cũng có một chút sự an ủi khi chưa thể “tâm thần” được như họ. Việc ám ảnh cưỡng chế trong việc làm việc chưa hẳn là một điều tốt trừ khi bạn có một thân thể cực kỳ khỏe và một đam mê bất diệt hoặc bạn bị hypomania giống như các tỷ phú đô la. 

Thành công có thể là “căn bệnh tâm thần”

Thành công là học giỏi trên trường học? 

Trong cuốn sách có một nghiên cứu khoa học của Karen Arnold tại Đại học Boston khi theo dõi 81 học sinh tốt nghiệp thủ khoa và á khoa tại trường thì trong số đó 96% học sinh tiếp tục học tập và tốt nghiệp, điểm số trung bình 3,6 (trên 4), 60% có bằng sau đại học. Sau một thời gian ngắn thì kết quả với 90% làm nghề chuyên môn và 40% làm bậc cao nhất. Gần như tất cả đều có một cuộc sống tốt đẹp, công việc khá ổn định.

Nhưng

Gần như không một ai đứng đầu bảng trong cuộc sống. Nếu như bạn có thể thắc mắc là văn hóa tại Mỹ sẽ khác các nơi khác thì rất nhiều các cuộc kiểm tra tương tự đã được kiểm nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới và đều cho kết quả gần tương tự. Theo vấn đề này, các nhà nghiên cứu đưa ra 2 lý do: 

  • Trong mô hình học đường thì các em học sinh đang được làm việc theo chế độ nghe lời và tưởng thưởng. Tức các em cố gắng học giỏi, đạt điểm cao khi các em tuân thủ, đảm bảo quy tắc và đồng hành cùng hệ thống. Đa số các em học sinh khi học thường theo đuổi sự mong đợi của giáo viên và điểm số hơn là theo đuổi kiến thức thực sự. Nếu so sánh với bản thân mình, thì hồi trước 12 năm học một chữ tiếng anh bẻ đôi cũng không biết, nhưng mình lại khá biết cách “lươn lẹo” với giáo viên và nhờ sự giúp đỡ của các bạn khi làm bài thi. Vì vậy 12 năm, các giáo viên tiếng anh đều tưởng mình học giỏi và chăm chỉ nhưng tất cả chỉ là sự đối phó của mình khi học bài và làm bài thi. 
  • Lý do thứ hai là mô hình tập trung khen thưởng cho những người đa lĩnh vực nhưng trong cuộc sống bình thường, không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ. Việc bạn giỏi toán và ước mơ làm kỹ sư nhưng không thể đạt được học bổng hay học sinh giỏi nếu như bạn được điểm 2 môn Lịch Sử hay Địa Lý. Tất cả các môn phải trên 8 và điều đó khiến nhiều em học sinh không thể cố hết sức một vài môn hoặc nghĩ cách học đối phó như mình. 

Học giỏi ở trên trường để thành công, có thật thế không?

Đối với trường học, mọi thứ đều có những quy tắc rõ ràng và nếu bạn muốn đạt thứ hạng cao nhất thì bạn chắc chắn là người tuân thủ, kỷ luật và nắm rõ quy tắc nhất. Nhưng trong cuộc sống, không có bất cứ quy tắc nào cả, nhiều người yếu tâm lí có thể bị sốc khi từ là người được chú ý và giỏi nhất trên trường nhưng lại trở lên vô hình và không bằng bạn bè dốt nhất lớp (nhưng nó giàu). 

“Tuân thủ quy tắc không tạo ra thành công, nó chỉ loại bảo những cực điểm, cả tốt lẫn xấu. Tuy điều này trông cũng tốt vì loại bỏ được rủi ro tiêu cực, nhưng đồng thời loại bỏ luôn cả những thành tựu long trời lở đất.” – trích trong sách

Cuốn sách “Chó sủa nhầm cây”

Nhà lãnh đạo nào làm lên lịch sử vĩ đại?

Một ví dụ cụ thể và rất hay được nêu ra sách chính là Winston Churchill – Một trong những thủ tướng vĩ đại nhất của nước Anh và là người cứu nhân dân anh trong cuộc thế chiến thứ hai. Nhưng nhiều người không biết rằng, ông không có vẻ và phẩm chất gì giống với các thủ tướng bình thường. Ông hoang tưởng khi hết lòng chống mọi thứ gì có vẻ “xấu” khi gây tổn hại tới nước Anh, nhưng chính điều này là chìa khóa để phát hiện kẻ hủy diệt Hitler và coi hắn như kẻ thù, trong khi tất cả những người khác đều tin tưởng Hitler là người đáng tin cậy và mong chờ một sự hòa bình khi hợp tác. 

“Sự nhiệt thành của Churchill – thứ gần như đã hủy hoại sự nghiệp của ông trước đó – lại chính là thứ Anh Quốc cần để tiến vào Thế Chiến II.” – trích trong sách

Đối với suy nghĩ thông thường, một lãnh đạo chuẩn mực phải là người tôn nghiêm, uyên thâm, cố gắng từ thứ bậc nhỏ nhất đến lớn nhất, tốt nghiệp trường đại học danh giá và đạt được vị trí cao trong cuộc sống. Nhưng nó chỉ đúng một phần, những người này thường thiếu một thứ gì đó và rất khó để vượt lên hẳn và suy chuyển những tình hình mang tính trọng đợi. Trong cuốn sách gọi những người lãnh đạo này là loại người “chọn lọc”.

Ngược lại, những vị lãnh đạo “không chọn lọc” lại mang thiên hướng trái lại, ở họ có sự cuốn hút, tự tin mang lại sự đáng tin cậy, có thể thay đổi cả lịch sự. 

“Theo luận án tiến sĩ của Mukunda với các đời tổng thống Mỹ, các tổng thống “chọn lọc” thường không rung lắc con tàu, trong khi những người ngược lại lại khiến con tàu lắc lư. Kết quả khiến con tàu nát bét  và phá tan những thứ tệ hại như chế độ nô lệ, như Abraham Lincoln đã làm”. – trích sách

Nếu áp vào cuộc sống, chúng ta cũng có thể thấy được ví dụ điển hình khi Donald Trump có thể thắng Clinton trong cuộc chiến bầu cử tổng thống, và ông chiến thắng một cách ngoạn mục và nhậm chức vào năm 2017. Donald Trump to mồm, nóng nảy, nhiều người cho ông nói phét và chẳng có tích sự gì, nhưng ông lại có một sự cuốn hút và đáng tin lạ thường. Một ví dụ khác chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp khi từ một giáo viên lịch sử lên thẳng chức tướng quân, bởi ông chính là vị lãnh đạo “không chọn lọc”, có thể làm suy chuyển tình hình đại cục với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng danh. 

Bài viết cũng đã dài, mình xin tạm kết thúc phần 1 về cuốn sách đặc biệt này. Những mộng tưởng về thành công như báo đài nói chỉ là một phần trong cuộc sống vô vàn những điều đặc biệt có thể xảy ra. Cùng đón chờ bài viết tiếp theo của mình nói về cuốn sách này nhé

Nếu bạn thích chủ đề này có thể donate momo cho mình, một chút món quà nhỏ nhắn này sẽ giúp mình có tiền cafe sáng mỗi ngày, viết những bài viết hay ho dành tặng cho bạn. 

Momo: 0766462292 – Lê Tuấn Nghĩa

Xin cảm ơn

—————

Các bạn có thể mua sách tại đây: https://shp.ee/xu8wbfy

Bạn có thể thích đọc:

>>> Làm gì để “sinh tồn” trong ngành Digital Marketing
>>> Cách để rút ngắn thời gian trở thành chuyên gia nhanh nhất có thể
>>> Mình đã kiếm 100 triệu trong vòng 50 ngày như thế nào?
>>> Để thành công trong 50 năm nữa, chúng ta sẽ làm gì?
>>> Xây dựng ý tưởng Digital Marketing chỉ với 5 bước đơn giản
>>> Làm thế nào để tìm kiếm mentor giúp đỡ mình trong thời gian khởi đầu?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *